Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các đô thị nước ta vẫn đang tiếp tục gia tăng cả về số lượng và quy mô, song đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường.

Dân số ngày càng tăng nhanh gây ra quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước và xử lý nước, giao thông, thu gom xử lý rác,...) làm chất lượng môi trường suy giảm. Các biểu hiện bao gồm:

- Gia tăng ô nhiễm không khí tại các khu vực đô thị luôn ở ngưỡng cao do: khí thải, khói bụi từ các phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt,...


Khói bụi đô thị, mối nguy tiềm ẩn đối với sức khỏe con người

- Ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng,...

- Gia tăng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm do: nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp. Hiện nay, ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh rạch, hồ trong nội thành, nội thị vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều sông ở nội thành vẫn là các kênh dẫn nước thải, chất lượng nước cũng bị suy giảm.

- Đặc biệt trong những năm gần đây, tình trạng úng ngập tại nhiều đô thị không những không được cải thiện mà còn có xu hướng mở rộng và gia tăng, gây ra nhiều trở ngại cho người dân. Nguyên nhân do các khu vực nội thị cũ đều được xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng xuống cấp trong khi các khu vực đô thị mới, mở rộng với những quy hoạch không tính toán đầy đủ việc tiêu thoát nước tổng thể cho cả vùng.


Tình trạng ngập úng kéo dài tại các đô thị trong và sau những cơn mưa lớn

- Bùng nổ chất thải rắn từ sinh hoạt, công nghiệp dẫn đến khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, lan truyền dịch bệnh,...

- Sử dụng đất bất hợp lý khiến cho diện tích rừng tự nhiên, cây xanh bị thu hẹp để sử dụng cho đất ở, cơ sở hạ tầng.

Giải pháp xây dựng Khu đô thị – Khu công nghiệp sinh thái:

Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa bên cạnh những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, khoa học – kỹ thuật, văn minh – dân trí, cải thiện đời sống người dân,... thì cũng đã tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường. Xu hướng hiện nay là xây dựng các Khu đô thị sinh thái, Khu công nghiệp sinh thái.

Đô thị sinh thái:

Đô thị sinh thái có thể hiểu đơn giản là một đô thị có sự cân bằng với thiên nhiên.


Xây dựng các khu đô thị sinh thái hiện đang là xu hướng đô thị hóa hiện nay

Các nguyên tắc để xây dựng đô thị sinh thái:

- Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên.

- Đa dạng hóa việc xử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người.

- Trong điều kiện có thể, hãy giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng.

- Giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng môi trường được cân bằng một cách tối ưu.

Một số tiêu chí của một đô thị sinh thái:

- Có mặt độ cây xanh cao, 12 – 15m2/ người. Có hệ thống rừng phòng hộ bao quanh hoặc ít nhất ở một số hướng gió chính.

- Tạo và bảo tồn sinh học để giữ cân bằng sinh thái.

- Đảm bảo đủ nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất (150 – 200 lít/ người/ ngày).

- Nước thải chỉ được thải vào môi trường khi đã được xử lý đảm bảo mức an toàn, không bị ngập lụt trong khu đô thị.

- Hệ thống giao thông đảm bảo tiêu chuẩn đường và mật độ đường theo số dân. Dành khoảng 30% diện tích cho giao thông, các phương tiện giao thông không gây tiếng ồn và xả khí thải quá mức cho phép.

- Bảo vệ môi trường đất không bị ô nhiễm và thoái hóa; sử dụng quỹ đất một cách hợp lý để vừa có đất cho khu dân cư, công viên, vừa có đất cho rừng phòng hộ.

- Đảm bảo mật độ dân số hợp lý, phù hợp với năng lực tải của đô thị đó.

- Diện tích mặt nước (ao, hồ,...) cân đối và đủ với diện tích dân số thành phố để tạo cảnh quan môi trường và khí hậu mát mẻ.

- Có bãi rác hợp vệ sinh, công nghệ xử lý rác khoa học; có hệ thống nhà vệ sinh công cộng, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Khu công nghiệp sinh thái:

Dựa trên đặc điểm của các hệ sinh thái tự nhiên: Chất thải của sinh vật này trở thành nguồn thức ăn của một sinh vật khác.


Mô hình khu công nghiệp sinh thái

 

Đặc trưng của khu công nghiệp sinh thái:

- Hệ thống sản xuất mang tính chất tuần hoàn, sản phẩm của quy trình sản xuất này trở thành đầu để giảm thiểu tối đa lượng chất thải, giảm thiểu sự vận chuyển hàng hóa.

- Sản phẩm hàng hóa thiết kế để có thể tái sử dụng và tái chế.

- Hiệu quả sử dụng nước và năng lượng cao, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

- Xây dựng các hệ thống xử lý môi trường: nước thải, rác thải được xử lý tập trung.